11:09 23/12/2014
Quan niệm và cách giữ của hồi môn đám cưới
Việc sử dụng của hồi môn thế nào, gửi gia đình nhà trai hay nhà gái sau khi đám cưới kết thúc là vấn đề đau đầu với nhiều cô dâu.
1_1415180454.jpg

Ảnh: Vincent Lai.

1. Quan niệm về của hồi môn

- Theo quan niệm cũ, nhiều người cho rằng, khi cô dâu mới về nhà chồng cần có một chút tài sản gọi là của hồi môn, vừa dành để tiết kiệm chi tiêu sau này, vừa để nhà chồng coi trọng. Vì vậy nhiều gia đình nhà gái vì muốn con gái "có giá" trong mắt nhà trai nên phải lo liệu những món đồ giá trị như tiền bạc, vàng, trang sức để dành tặng cô dâu làm của hồi môn.

- Trước kia, của hồi môn thường chỉ món quà vật chất mà gia đình nhà gái tặng cô dâu, nhưng sau này, có thể hiểu chung đó là những món đồ giá trị mà nhà trai trao tặng cô dâu trong lễ đón dâu.

- Việc cô dâu mới có của hồi môn lại dẫn đến những điều rắc rối khác như cất giữ của hồi môn ra sao, nên dành giữ hay trao hết cho gia đình nhà chồng. Nhiều cô dâu và mẹ chồng còn xảy ra tranh cãi cũng như không bằng lòng về cách cất giữ của hồi môn.

- Vài năm gần đây, quan điểm đám cưới hiện đại đã "thoáng" hơn. Nhiều gia đình không còn quá quan trọng vào của hồi môn bởi lẽ đám cưới là ngày trọng đại của uyên ương, tài chính hay cuộc sống sau này là do uyên ương quyết định.

2. Chuẩn bị của hồi môn như thế nào

- Việc trao quà tặng cho cô dâu trong ngày cưới chỉ là hình thức, nhằm để gia đình hãnh diện với họ hàng, bạn bè. Vì vậy giá trị của hồi môn nên dựa vào điều kiện kinh tế, không nên cố gắng vay mượn để tặng quà cưới hoành tráng cho cô dâu, nhưng sau đó gia đình lại phải trả nợ.

- Cha mẹ của cô dâu và chú rể nên trao đổi trực tiếp, thẳng thắn và thống nhất về vấn đề của hồi môn, quà tặng trong đám cưới, tránh các phiền phức sau này. Ví dụ, không ít trường hợp nhà trai nghĩ cô dâu sở hữu nhiều của hồi môn giá trị mà không đóng góp cho gia đình chồng nhưng thực chất cô dâu chỉ được tặng vài món trang sức bình dân, giá trị không quá cao. Hiểu lầm về tiền bạc có thể làm ảnh hưởng sâu sắc tới quan hệ giữa nàng dâu và gia đình mới.

2_1415180462.jpg

Ảnh: Wong.

2. Nên sử dụng của hồi môn như thế nào

- Nếu đã được hai nhà tặng quà có giá trị vật chất lớn, cô dâu chú rể nên bàn nhau cách cất giữ cũng như sử dụng.

- Nếu gia đình không quan tâm tới của hồi môn, uyên ương có thể dùng tiền để chi trả cho tuần trăng mật hay sắm sửa cho căn nhà mới, hoặc gửi tiết kiệm để sau này sử dụng khi cần. Với nữ trang, thường các món trang sức cô dâu được tặng sẽ không thể bán đi mà chỉ có thể cất giữ làm kỷ niệm.

- Nếu gia đình chú rể muốn cô dâu đóng góp toàn bộ của hồi môn cho bố mẹ chồng thì bạn cần khéo léo cư xử. Đây là trường hợp nhạy cảm khiến nhiều cô dâu băn khoăn. Bởi nếu gửi hết của hồi môn cho bố mẹ chồng thì cô dâu sẽ cảm thấy hụt hẫng hoặc không hợp lý. Nhưng nếu không làm theo ý nhà chồng thì cô dâu có thể làm mất lòng gia đình. Điều đầu tiên, cô dâu nên nhớ cần bàn bạc cùng người bạn đời. Hai người nên thống nhất ý kiến với nhau. Sau đó, để giữ hòa khí, uyên ương mới cùng nhau trao đổi với cha mẹ về vấn đề này. Hai người cần khéo léo giải thích việc muốn giữ lại của hồi môn để dành cho chi tiêu sau này. Phụ huynh thấu hiểu thì sẽ ủng hộ cách làm của cặp đôi mới cưới.

- Nhiều cô dâu khéo cư xử, tinh ý hơn thì biết xác định rõ, quà tặng của gia đình không phải do mình làm ra nên mình không cần sở hữu. Cô dâu sẽ chọn cách gửi quà nhà gái tặng cho mẹ đẻ, còn quà nhà trai tặng sẽ trao cho mẹ chồng cất giữ. Như vậy sẽ vẹn cả đôi đường. 

Với vấn đề tài sản, cô dâu và chú rể cần đồng thuận cũng như luôn ủng hộ nhau và tìm hiểu tính cách của từng phụ huynh để cư xử đúng. Khi hai người đồng lòng, cuộc sống hôn nhân của bạn sẽ luôn suôn sẻ, hạnh phúc.

Linh Linh