03:22 25/02/2015
Chè lam - món quà đầu xuân
Cắt miếng chè lam màu nâu nhạt, ăn dẻo thơm vị bùi béo của lạc, cay the của gừng, ngọt dịu của mật mía, nhâm nhi cùng trà nóng thật thú vị.
Nhâm nhi miếng chè lam bên ấm trà nóng ngày đầu năm gặp mặt với những câu chuyện thân mật thật thú vị biết bao.

Nhâm nhi miếng chè lam bên ấm trà nóng ngày đầu năm gặp mặt với những câu chuyện thân mật thật thú vị biết bao.

Chè lam có nguồn gốc từ Thanh Hóa thời Minh Mệnh thứ 16 (khoảng những năm 1835). Vào thời đó chè thường được nấu để tiến vua, về sau dân gian nấu chè vào mỗi dịp lễ Tết để cúng tổ tiên và mừng gặp mặt ngày đầu xuân năm mới. Ngày nay chè lam được sử dụng như một món quà ăn chơi, người ta làm bán ăn quanh năm…

Để làm chè lam nguyên liệu cần gạo nếp, lạc, gừng, và không thể thiếu mật mía. Nếp phải chọn loại thơm ngon, ngày xưa thường là nếp cái hoa vàng, ngày nay người ta sử dụng nếp Hà Nội hạt tròn to đều, dẻo thơm. Lạc, gừng chọn loại ngon. Mật mía là một đặc sản của xứ Thanh được làm từ mía kim tân loại mía có vỏ màu đen, ép lấy nước thắng trên lửa lọc nhiều lần cho đặc sánh và có màu sắc nâu đỏ rất đẹp.

chelam-12-8464-1424770073.jpg

Để món chè được thơm ngon gạo nếp phải được rang chín. Dùng chảo gang (lượng nhiệt lớn hơn chảo nhôm) để rang, khi nào thấy hạt gạo nếp thơm, có màu vàng cánh gián là được. Xay gạo nếp rang thành bột để riêng. Lạc rang chín, xát bỏ vỏ, giã giập. Gừng cạo vỏ luộc chín mới cắt thật mỏng mới dẻo và thơm ngon. Đây cũng là bí quyết của những gia đình có nghề làm chè lam lâu năm. Nếu để gừng sống sẽ không thơm và mùi vị của chè vì thế sẽ giảm đi độ ngon.

Vào dịp tết khoảng từ 20 tháng chạp trước ngày đưa ông táo về trời là người ta bắt đầu nấu chè lam. Mật mía được cho vào nồi nấu sôi hớt bọt mới cho bột nếp rang vào, quậy đều tay cho đến khi bột và mật mía hòa tan vào với nhau mới thêm lạc rang, gừng vào nấu nhỏ lửa để chè chín kĩ và thơm. Nấu chè lam phải là người quen tay thì mới ngon. Chỉ cần nhìn độ sôi của nồi chè là biết khi nào chè chín và cạn hết nước. Nếu chè còn nước khi nguội sẽ không có độ kết dính cao và đạt độ dẻo như mong muốn.

Để chè lam có màu sắc và vị thơm ngon gạo nếp phải được rang chín, xay thành bột, và không thể thiếu mật mía, gừng, lạc rang.

Để chè lam có màu sắc và vị thơm ngon gạo nếp phải được rang chín, xay thành bột, và không thể thiếu mật mía, gừng, lạc rang.

Đổ chè trên mẹt tre hoặc mâm trên có để một lớp là chuối và rắc ít bột nếp khô cho đỡ dính rồi lăn thành từng miếng tròn to cho vào cối đá giã cho các nguyên liệu thấm đều dẻo quẹo vào nhau. Lúc này mới cho chè vào từng khuôn gỗ đã rắc sẵn bột nếp khô rồi cắt thành thanh cho vào túi đóng gói. Chè lam làm đúng điệu có thể để được nửa năm mà không cần bảo quản tủ lạnh hay chất bảo quản gì.

Ngày xưa chè lam để cả một khối lớn được bọc trong lá chuối khô rồi xếp vào trong các chum sành nên thời gian để dành chỉ khoảng hai tháng. Khi nào ăn mới cắt từng thỏi ra. Ngày nay chè lam được đóng bao bì cẩn thận nên bảo quản được lâu và là món quà để những người con xa xứ mang đi tặng bạn bè muôn phương.

Bài và ảnh: Đoàn Xuân