02:20 02/01/2015
Coong phù - 'bánh trôi' của người xứ Lạng
Nếu có dịp lên Lạng Sơn, bạn sẽ được biết đến coong phù một loại bánh gần giống bánh trôi nước của người miền xuôi.
Hinh-2-JPG-9245-1419996212.jpg

Nồi bánh coong phù sủi tăm nghi nghút khói ngào ngạt hương thơm của nếp, gừng, bánh nổi lên là đã chín.

Coong phù có lẽ do người Tày, Nùng sáng tạo ra nên có phát âm ban đầu là thoóng phù, sau thành coóng phù hay coong phù.

Coong phù được làm từ gạo nếp. Gạo nếp vo sạch, xay thành bột nước. Trút bột nước vào trong một túi vải, treo lên cho ráo (khô) hết nước, hoặc muốn nhanh thì dùng một tấm gỗ ép chặt bột để nước chảy ra. Bột ráo nước lột túi vải cho bột vào trong một cái thau.

Đến giai đoạn nhồi bột là cả một bí quyết của người làm bánh coong phù ở Lạng Sơn. Chỉ biết rằng bột nhồi đến khi dẻo quạnh, lấy một miếng bột nhỏ, dàn mỏng trên tay thấy trong là được, nặn thành viên nhỏ. Bột càng lọc kỹ thì bánh mới dai, ngon, không bị vỡ khi nấu. Để coong phù được đẹp và màu sắc, có thể thêm gấc chín, hay quả dành dành cho đẹp.

Hinh-3-JPG-2373-1419996212.jpg

Một bát coong phù với màu sắc hấp dẫn từ gấc chín.

Nhân bánh bằng đỗ xanh xào đường hoặc làm bằng lạc rang giã nhỏ rồi nấu với đường đỏ. Cho nhân vào giữa miếng bột dàn mỏng, vo viên lại cho thật tròn. Nấu nồi nước đường phèn đun sôi, đập gừng vào cho thơm. Thả bánh vào nồi nước đường sủi tăm nghi ngút khói, ngào ngạt hương thơm của nếp, gừng. Khi nào bánh nổi lên là chín. Múc bánh vào bát chan nước đường, cho thêm dừa nạo nhỏ, và lạc rang cùng với dầu chuối cho thơm, ăn nóng.

Bánh coong phù được đồng bào Lạng Sơn làm để ăn vào mùa đông, đặc biệt là ngày đông chí trời lạnh thì gia đình nào cũng có.

HInh-1-JPG-4038-1419996212.jpg

Coong Phù được chú thích rõ để khách miền xui được biết, giá 10.000 đồng 1 bát, được nhiều thực khách chọn thưởng thức khi đến Lạng Sơn.

Còn gì thú vị hơn giữa tiết trời se lạnh của mùa đông nơi miền núi xứ Lạng ngồi nhâm nhi bát coong phù nóng hổi thơm ngạt ngào mùi nếp, gừng, bùi béo của dừa, lạc… Đó sẽ là một cảm giác không thể quên trong ngày mùa đông ở vùng cao.

Bài và ảnh: Đoàn Xuân