Lúc thất tình, con người thường rơi vào tình trạng sầu thảm, có những hành vi bất thường ngoài tầm kiểm soát mà phổ biến nhất là khóc. Khóc lắm thì lượng muối trong cơ thể sụt giảm, nguyên nhân khiến người thất tình thường “yếu đuối như con cá chuối”.
Lúc này, để lấy lại sức khỏe và vượt qua nỗi đau tình ái, chi bằng hãy bước đến cầu Long Biên… tất nhiên không phải để nhảy cầu quyên sinh như tiểu thuyết ngôn tình hay viết mà là để tìm một quán phở nhỏ, nằm khép nép ở phố Gầm Cầu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), lặng lẽ ngồi xuống ghế nhỏ, bàn nhỏ, rồi dõng dạc hô: “Cho em một bát đầy đủ chị ơi”.
Dấm, tỏi, ớt... có thể làm giảm bớt vị mặn của bát phở. |
Kể cũng lạ, chẳng có món ăn nào lại phù hợp với cảm xúc của con người như phở. Vui, buồn, sướng, khổ… đều chén phở được tất. Lúc trai gái tán tỉnh nhau, hễ dắt tay nàng được vào quán phở thì đương nhiên giao kèo đã được ký kết, “hoa này đã có chủ”. Rồi đến lúc yêu nhau, đích đến cuối cùng cũng phải là hàng phở. Bởi khi hẹn hò, người ta mất sức nhiều lắm. Để cầm được bàn tay nàng là cả... một công trình khổ sở. Nâng đôi tay ngọc ngà mà mồ hôi chàng vã ra như tắm, nàng cũng hổn hển thở như thắp hết hơi vì hồi hộp, lo lắng những thứ linh tinh. Sau lúc đấy, đến khi đưa về, chi bằng tạt vào hàng phở, gầu gân tái chín nạm gì được tất, miễn là phải nóng sốt, húp đến đâu biết đến đấy, lưỡi lại mềm như thạch.
Yêu nhau là phở mà đến lúc thất tình cũng phải đi ăn phở không đói mà chết mất. Nhưng khi thất tình không phải phở nào cũng hợp khẩu vị. Phở gà thì vô duyên vì có “con gà ngon nhất” nó vỗ cánh bay mất rồi. Phở xào, phở cuốn, phở chua, phở trộn… lúc đấy đều nhạt nhẽo do miệng người ta đắng ngắt như sau cơn bạo bệnh vì thiếu muối và mấy thức phở kia không bù được lượng muối đã đánh mất vào vỏ gối, vỏ chăn, giấy ăn...
Ấy thế mà có một loại phở rất hợp với những người thất tình, đó là phở mặn ở phố Gầm Cầu. Hãy khinh khỉnh bước qua phở xếp hàng Bát Đàn, hãy nhếch mép trước lời mời chào đon đả của phở Lâm Hàng Vải, hãy lạnh lùng cười trước tấm biển hợp tác xã phở Lý Quốc Sư cuối phố Phùng Hưng mà tiến thẳng tới Gầm Cầu.
Khi đấy, giữa những chen chúc cần lao bóng nhẫy mồ hôi sau một đêm bốc vác ngoài chợ Long Biên, kiên nhẫn chờ đợi nhà hàng bưng đến một bát tái gân hay lõi rùa nóng rãy, thơm lừng vị phở và mặn mà khiến bần thần từng chiếc gai lưỡi. Nước nào có thể mặn mòi bằng nước dùng phở mặn? Nỗi đắng cay nào có thể to bằng cục thịt chín nằm cạnh miếng tái, miếng gân. Hãy nuốt đi để thấy rằng nỗi đau nào cũng nuốt trôi được hết, để sau đêm nay, tâm hồn lại vui phơi phới.
Trạng thái sầu thảm do thất tình rất đỗi làm tổn thương con tim. Vị mặn cũng là một kẻ thù của tim mạch. Thế nhưng, khi thất tình mà được ăn bát phở mặn Gầm Cầu, trong bầu không khí đậm đặc cần lao thỉnh thoảng lại chêm những tiếng chửi thề thì lại cảm thấy khoan khoái.
Lượng muối đã mất đi cho kẻ tình phụ sẽ được bồi hoàn theo những tiếp húp suỵt xoạt. Những bốc phở phóng đãng, miếng gân ninh nhừ, miếng tái ngọt lừ, lẫn những miếng thịt chín to cỡ 3 đầu ngón tay chằn chặn sẽ giúp ta hồi phục nguồn năng lượng vốn đã tiêu biến.
Quán phở nằm trong không gian chật hẹp, nhưng sạch sẽ và gọn gàng. |
Quán phở mặn Gầm Cầu ấy nổi tiếng là đông và đắt. Nhưng bù lại là sự sạch sẽ của bát phở, sạch từ cái bát, đôi đũa, chiếc thìa, lọ dấm tỏi đến nước dùng. Tất cả đều gợi sự thanh khiết, ngon lành. Khi ăn xong tô phở mặn to tướng, thể xác và tâm hồn vị thực khách thất tình như được thanh tẩy, mới mẻ và tràn đầy năng lượng tích cực. Hình bóng kẻ tình phụ và ám ảnh cuộc tình sẽ như mảnh giấy ăn vô dụng, bay vèo vào sọt rác.
Và rất lâu sau khi ăn phở mặn Gầm Cầu, thi thoảng, trong những khi tâm hồn đi hoang, đầu lưỡi lại chạm khẽ lên viền môi. Một vị mặn lại chạy qua và vụt thẳng lên vùng não bộ có chức năng cõi nhớ. Ký ức hôm ăn phở lại hiện về, khiến ta thèm một bát phở mặn đến điên dại.
Anmustang