14:22 16/03/2015
Chuyên gia tư vấn: Lập ngân sách cho đám cưới
Với cô dâu chú rể tổ chức cưới ở Việt Nam thì không nên chuẩn bị quá sớm, dù điều này lại trái ngược với nước ngoài. Lý do vì chi phí mỗi mùa cưới ở Việt Nam đều thay đổi.
ngoisao-net-4068-1426490510.jpg

Ảnh: NhuCam Wedding Team.

Khi bắt đầu lên kế hoạch cho đám cưới, có một thói quen mà các cô dâu hay gặp phải. Đó là ngay lập tức liệt kê ra những điều mình mong muốn trong tâm trạng đầy háo hức và phấn khích. Nhưng hãy khoan nghĩ tới những việc chi tiết, mà điều đầu tiên cần chú ý, đó là bảng ngân sách vì nó thực tế và quyết định mọi chi tiêu trong đám cưới.

Một bảng ngân sách thường bao gồm hai phần: Tổng thu (Income) và Tổng chi (Outcome).

1. Tổng thu: là tổng số tiền mà hai vợ chồng có thể chi ra cho đám cưới. Phần “income” này bao gồm tất cả các nguồn, ví dụ như:

- Tiền tiết kiệm: tức nguồn tiền hai vợ chồng đã dành dụm tính tới thời điểm đó hoặc con số bạn muốn trích ra để làm đám cưới.

- Tiền bố mẹ, gia đình hai bên giúp đỡ: đây chính là phần khá đau đầu cho các cặp đôi trẻ bởi truyền thống của người Việt Nam. Thông thường, với quan niệm bố mẹ “cưới vợ/gả chồng” cho con, phụ huynh sẽ cho hai vợ chồng một khoản. Nhưng thực tế, vì lý do tế nhị, rất khó để biết được con số gia đình sẽ cho để đưa vào bảng ngân sách của mình.

Mình từng gặp rất nhiều trường hợp bố mẹ nói sẽ cho con phần chi phí tiệc, nhưng lại không nói rõ là bao nhiêu. Đến khi đôi trẻ chọn một nơi không phù hợp thì lại giận, dỗi. Vì thế, lời khuyên là các nàng dâu hãy tận dụng mọi cách: tâm sự, thủ thỉ, mè nheo, nhõng nhẽo… thật khéo léo để biết được số tiền chính xác phụ huynh sẽ cho mà không làm bố mẹ phiền lòng.

- Tiền để dành trích từ thu nhập mỗi tháng của hai người tính cho đến ngày cưới.

- Các khoản khác…

2. Tổng chi: là tổng chi phí các bạn sẽ phải chi ra cho đám cưới. Để biết được con số này, mọi người có thể làm theo những bước sau:

- Lên danh sách những việc cần làm trong đám cưới theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp.

- Các bạn có thể tham khảo danh sách các việc cần làm ở bài này: Những bước chuẩn bị cơ bản cho đám cưới.

- Với mỗi phần việc, nên ghi chú vài dịch vụ bạn yêu thích và muốn sử dụng cũng theo thứ tự ưu tiên giảm dần.

- Tìm hiểu thông tin chi phí của tất cả các dịch vụ đó.

Như vậy, với mỗi phần việc ta sẽ có một con số tương ứng. Từ đó tính được tổng chi (Outcome)

ngoisao-net1-7054-1426490510.jpg

Ảnh: NhuCam Wedding Team.

3. Điều chỉnh: đây chính là bước cân bằng các yếu tố để hai mục tổng thu và tổng chi gần bằng hoặc suýt soát nhau.

- Nếu tổng thu nhiều hơn tổng chi thì quá tuyệt vời và cũng không có gì để nói. Lúc đó, bạn có thể thoải quan tâm đến những vấn đề khác.

- Nhưng nếu tổng thu ít hơn tổng chi: lúc này mới thực sự đau đầu. Dưới đây là vài bước để bạn tiến hành cân chỉnh dự toán của mình:

+ Với những khoản ưu tiên nằm đầu danh sách, mình sẽ dành nhiều ngân sách hơn và cắt giảm các phần khác đi.

+ Loại bỏ bớt những phần việc mà theo bạn không thực sự cần thiết với đám cưới.

+ Xem xét lại các mối quan hệ, hoặc tìm bạn bè thân có thể đảm trách được các phần việc trong đám cưới để tiết giảm chi phí.

+ Nếu có khả năng, với những gì có thể thì hãy tự làm (DIY - Do It Yourself).

4. Lưu ý: Đến đây, mọi việc gần như đã tạm ổn. Tuy nhiên, cô dâu chú rể nên lưu ý đến những vấn đề sau:

- Điều đầu tiên và quan trọng nhất, chính là phải thoải mái. Quá trình lập ngân sách thường mang đến cho các cặp đôi những bất đồng đôi khi không hay. Vì thế, hãy nhớ dù gặp phải khó khăn gì, đó cũng là việc để hai người trao đổi và hiểu nhau hơn, không phải để cãi nhau. Lúc nào cảm thấy mệt mỏi thì tạm dừng, nghỉ ngơi thư giãn, không nên cố gắng làm, chỉ thêm căng thẳng.

- Bạn phải có ngày cưới (hoặc thời điểm cưới) chính xác. Nó là cơ sở để cô dâu chú rể có thể nói chuyện với các nhà cung cấp dịch vụ và hoạch định cho ngân sách của mình.

Nếu đám cưới bạn rơi vào mùa cưới năm sau, thì khi chuẩn bị, bạn nên tính thêm một khoản dự phòng (thông thường sẽ chiếm thêm khoảng 25% – 30% của tổng chi).

- Đặc biệt với cô dâu chú rể tổ chức cưới ở Việt Nam thì không nên chuẩn bị quá sớm, dù điều này lại trái ngược với nước ngoài. Lý do vì chi phí mỗi mùa cưới ở Việt Nam đều thay đổi. Nếu lên kế hoạch quá sớm, vô tình những thông tin, con số mình thu được đều không chính xác.

Các nhà cung cấp dịch vụ ở VN đôi khi cũng không nhận những đơn đặt hàng quá xa. Cô dâu chú rể nên bắt đầu chuẩn bị trước đám cưới khoảng 6-8 tháng là vừa.

- Và sau cùng, nhớ chuẩn bị sức khoẻ và tâm lý trước khi bắt tay vào việc. Sẽ là mệt, bởi không những cô dâu chú rể phải biết mình thích gì, muốn gì… mà còn phải tìm hiểu các thông tin về giá cả, dịch vụ của những nhà cung cấp mình dự định (mong muốn) sử dụng. Bạn cần tìm thông tin trên mạng, đọc các nhận xét, tiếp xúc trực tiếp với họ… rồi cân chỉnh, tính toán trên giấy tờ. Dù việc chuẩn bị vất vả, nhưng bù lại, nó sẽ đem đến cho bạn cảm giác tự mình trải nghiệm và lưu lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Như Cầm