10:14 19/03/2015
Chuyên gia tư vấn: Nghi thức lễ cho đám cưới
Nghi thức lễ cưới nên có dấu ấn cá nhân của riêng cô dâu chú rể, bởi tình yêu của mỗi cặp đôi đều không giống ai khác.
3-1916-1426734851.jpg

Ảnh: NhuCam Wedding Team.

Tưởng chừng đơn giản và dễ dàng, nhưng thực ra, nghi thức lễ cho đám cưới lại là phần trang trọng và phức tạp nhất của một đám cưới “đẹp”. Bởi đó sẽ là giây phút mọi người chứng kiến và chúc phúc cho tình yêu của cô dâu chú rể.

1. Một nghi thức cưới cần đáp ứng được những yêu cầu sau:

- Không được cẩu thả nhưng cũng không quá trang trọng, làm mất đi sự gần gũi, ấm cúng của buổi lễ.

- Không nên dài dòng dẫn đến khách mời có tâm lý chờ đợi và nản.

- Nên có một chút gì đó là của riêng cô dâu chú rể. Bởi tình yêu của mỗi cặp đôi đều không giống ai khác. Nhưng cũng không được quá đà khiến nghi lễ cho đám cưới mất đi tính trang trọng, như một buổi tiệc hay hội nghị khách hàng. Đó là điều tối quan trọng!

2. Cách xây dựng nghi thức trong đám cưới

Để hướng theo các tiêu chí cần có của đám cưới, trước hết, uyên ương phải tự mình trả lời những câu hỏi sau:

- Bạn muốn nghi thức lễ đám cưới của mình diễn ra thế nào?

- Nghi lễ ra sao sẽ mang lại đầy đủ ý nghĩa cho cả hai vợ chồng.

- Không khí buổi lễ bạn muốn tạo nên? Gần gũi, vui vẻ hay nghiêm trang…?

- Địa điểm tổ chức có như ý bạn không?

- Bạn muốn tổ chức theo tôn giáo, bình thường hay sẽ đơn giản hóa theo ý bạn? Và nếu theo thì sẽ đúng toàn bộ hay có lựa chọn?

2-4653-1426734851.jpg

Ảnh: NhuCam Wedding Team.

3. Một số kinh nghiệm cho cô dâu chú rể

- Để tạo dấu ấn riêng, hãy tự tay viết những lời chúc mừng và cảm ơn khách mời đã tham dự. Bước chuẩn bị này sẽ không làm mất nhiều thời gian nhưng rất có ý nghĩa.

- Cô dâu chú rể có thể sáng tạo nhưng không có nghĩa phủ nhận truyền thống. Nghi thức lễ cho đám cưới chính là sự thể hiện một cách hoàn hảo nhất về văn hóa của gia đình. Đặc biệt hơn nếu đó là hôn lễ giữa hai nền văn hóa khác biệt thì nên chọn cách tổ chức làm nổi bật sự kết hợp giữa hai giá trị di sản văn hóa ấy. Để làm được điều đó, hai người cần tìm hiểu và phối hợp với nhau. Bạn có thể tham khảo ý kiến gia đình hoặc những người lớn đi trước.

 - Nếu theo Công giáo, bạn có thể tổ chức nghi lễ của mình tại Nhà thờ. Nhưng nên xin Cha cho mình được tổ chức vào một ngày riêng, tránh để nghi lễ của mình trùng với những ngày lễ lớn của nhà thờ.

- Đặc biệt, nếu muốn tổ chức ngoài trời thì với cách sắp xếp vị trí ngồi của khách, sự phối hợp màu sắc, âm nhạc, cách bày trí, tổ chức nghi lễ cũng sẽ tạo nên khung cảnh và không khí như ở nhà thờ.

- Có nhiều cặp thích hôn lễ diễn ra tại một nơi đặc biệt như trên trời, trên núi, dưới biển… Ví như những người say mê môn lặn có thể sẽ đeo bình dưỡng khí để cùng nhau nói lời thề nguyện dưới biển, người yêu thích bơi lội sẽ chọn khung cảnh hồ bơi. Hoặc nếu làm trong giới sân khấu, bảo tàng hay bất cứ gì đi nữa thì nếu muốn, bạn vẫn có thể tổ chức hôn lễ tại sân khấu, thư viện, phòng tranh hay phòng trưng bày mỹ thuật…

4. Những điều cần quan tâm khi tổ chức

- Phải tìm hiểu chính xác, rõ ràng thông tin, những điều luật riêng của mỗi nơi tổ chức để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

- Phí thuê nơi tổ chức nghi lễ? Có cần đặt cọc trước hay không?

- Nơi tổ chức nghi lễ có cho phép  trang trí? Có thể yêu cầu trang trí theo ý mình? Và nếu có thì mức độ bao nhiêu?

- Có thể rải hoa hay bông giấy, kim tuyến chúc mừng không?

- Phí thuê mặt bằng tổ chức nghi lễ theo Công giáo đã bao gồm cả Cha xứ (người làm lễ) và ban nhạc chưa? Có thể sử dụng ban nhạc của mình không? Đặc biệt lưu ý nếu bạn tổ chức nghi lễ tại nhà thờ khác, không phải nhà thờ bạn thường xuyên đi lễ thì nên xin phép Cha xứ nhà thờ bạn thường đi.

- Ai sẽ là người chịu trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh sau khi buổi lễ kết thúc?

- Nếu tổ chức ngoài trời thì khi mưa sẽ có phương án dự phòng gì để buổi lễ vẫn diễn ra tốt đẹp?

- Có đủ chỗ cho khách mời và chỗ để xe cho họ không?

- Chỗ vệ sinh, thay quần áo thế nào?

- Phải xác định lối ra vào riêng cho buổi lễ, của cô dâu - chú rể, của tiệc trà nhẹ, của khách và lối thoát hiểm khẩn cấp.

- Chú ý xem nơi tổ chức của mình có phù hợp với một số khách không? Người lớn, trẻ con sẽ phải chú ý đến sự an toàn nếu tổ chức ngoài biển, đồi núi…

- Một số tôn giáo yêu cầu người bạn đời cũng phải theo đạo của nhau thì sẽ rất phức tạp nếu cô dâu và chú rể không cùng tôn giáo. Trong trường hợp này, nếu được bạn có thể xin làm phép giao tại một địa điểm không mang tính tôn giáo là tốt nhất.

Như Cầm