Doanh nhân Đức Hải - đức lang quân điển trai của Hoa hậu Jennifer Phạm là con bà Trương Thị Thanh Thanh và cháu ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT - vị doanh nhân từng là “Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam”. Thế nhưng thiếu gia Nguyễn Đức Hải không muốn dựa hơi mẹ và cậu.
- Có mẹ và cậu là những doanh nhân rất nổi tiếng và thành đạt, anh gặp áp lực gì trong công việc?
- Sự thành công của gia đình vừa là sự hỗ trợ, vừa là thách thức với bản thân tôi trong phát triển sự nghiệp. Thuận lợi ở chỗ tôi học hỏi nhiều kinh nghiệm từ người đi trước. Nhưng thách thức không hề nhỏ khi muốn được mọi người xung quanh đánh giá đúng năng lực bản thân. Tôi không muốn mọi người cho rằng tại vì có sự hậu thuẫn này, hậu thuẫn kia nên tôi mới làm được việc này, việc kia.
Ngay từ bé, tôi đã xác định phải cố gắng làm sao để xã hội đánh giá vì năng lực của tôi chứ không phải qua gia đình mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi không làm việc cho FPT mặc dù tôi biết nếu chọn FPT, con đường đi của tôi rất thuận lợi. Tôi suy nghĩ đơn giản, nếu mình làm việc ở công ty gia đình, mọi người cho rằng vì lý do này, lý do kia tôi mới đạt được thành quả như vậy. Còn nếu tôi làm không tốt thì thậm chí tôi còn bị đánh giá nặng nề hơn một người bình thường đi làm. Họ nói có sự hậu thuẫn thế mà không làm được.
Khi bứt ra đi làm, tôi chọn công ty độc lập. Đó là công ty máy tính HTP ở TP HCM. Sau một vài năm làm ở đó, tôi làm quản lý dự án. Khi FPT được chính thức công nhận là nhà phân phối của Nokia, giám đốc bộ phận FPT - Nokia Hoàng Nam Tiến đích thân mời tôi về FPT.
Mẹ chồng Jennifer Phạm - bà Trương Thị Thanh Thanh (ngoài cùng bên trái) là một trong những người người sáng lập ra tập đoàn FPT. |
- Anh đã khẳng định khả năng của mình nên FPT mới mời anh về làm việc hay vì lý do nào khác?
- Trước đó, tôi đã có thành công khi xây dựng thị trường máy in lazer. Tôi và ê kíp đã tạo được dấu ấn tốt trong ngành công nghệ thông tin Sài Gòn. Ngày xưa, máy in lazer đắt lắm. Máy in phun giá 100 USD, máy in lazer giá rẻ nhất cũng là 2.500 USD nên máy in lazer khó tiêu thụ. Tuy nhiên, tôi đã tạo được thị trường với doanh số bán ấn tượng.
Bên cạnh đó, tôi là giám đốc sản phẩm đầu tiên của Vertu tại Việt Nam. Thương hiệu Vertu gắn liền với tên tôi. Trước đây, tôi thường được gọi là Hải Vertu. Khi mới về Việt Nam, không ai biết Vertu là gì. Vì thế, trong kế hoạch, tôi chỉ dám đặt ra mục tiêu ít nhất Vertu được biết là thương hiệu nổi tiếng. Nhưng sau đó, lượng tiêu thụ rất lớn, không thua kém gì ở Singapore. Đây là một trong những thành công lớn và là dấu mốc để tôi có thể tự hào về công việc. Cũng vì điều này, FPT mời tôi về làm việc và sau khi cân nhắc, tôi đã đầu quân cho FPT.
- Khi về FPT, anh phản ứng thế nào trước lời gièm pha anh được ưu ái vì là “người nhà”?
- Tôi đã khẳng định được thực lực, tạo nên sự thành công của tôi chứ không phải nhờ gia đình. Những người xung quanh cũng hiểu như vậy nên bản thân tôi chưa bao giờ nghe những lời gièm pha. Tôi cũng gần như không sử dụng chút gì lợi thế của gia đình trong công việc. Những người không hiểu, muốn nói sao thì nói, tôi không quan tâm. Những nhận xét của người gần gũi với tôi mới có giá trị.
- Anh có quá tham lam khi làm nhiều việc ở nhiều vị trí khác nhau?
- Thực ra tôi mong muốn lĩnh vực nào tôi cũng phải biết. Đó là lý do tại sao học kỹ sư nhưng tôi lại làm sale và marketing. Sau đó, tôi lại đi du học tài chính. Tôi muốn có kiến thức tổng quan về tất cả các lĩnh vực rồi cuối cùng tôi sẽ chọn cái mình có hứng thú nhất ngoài việc kinh doanh kiếm tiền.
Tôi định hướng sẽ lập doanh nghiệp ngay từ khi còn rất trẻ. Để mở doanh nghiệp, tôi phải biết từ A đến Z nên tôi sớm làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Ví dụ, công việc đầu tiên của tôi là đi làm bảo vệ cho các công ty. Vì phải học ban ngày nên tôi chỉ có thể đi làm bảo vệ đêm.
Một phần tôi muốn tự kiếm tiền, một phần tôi muốn đi từ vị trí thấp nhất để hiểu, ông bảo vệ suy nghĩ gì, những khó khăn, vấn đề của tất cả các cấp bậc trong doanh nghiệp. Phải hiểu được tất cả để sau này mở doanh nghiệp, tôi sẽ ít nhiều hiểu được tình cảm, vấn đề của từng vị trí.
Không dựa hơi vào mẹ và cậu ruột - doanh nhân Trương Gia Bình, chủ tịch tập đoàn FPT, ông xã Jennifer từng đi làm bảo vệ đêm thời sinh viên để có kinh nghiệm sống và thu nhập. |
- Mẹ anh là doanh nhân nổi tiếng. Bà phản ứng thế nào khi con trai đi làm bảo vệ ban đêm?
- Mẹ hiểu được tính tôi độc lập ngay từ bé. Khi tôi đưa ra lập luận hợp lý thì mẹ không bao giờ phản đối. Mẹ tôi cực kỳ hỗ trợ và khuyến khích con cái độc lập. Với mẹ, tôi càng độc lập càng tốt. Tôi làm bảo vệ gần 2 năm, bắt đầu cuối năm thứ nhất đại học và dừng lại ở năm thứ ba. Tại thời điểm đó, công ty của gia đình phát triển rất mạnh nhưng tôi vẫn muốn có nguồn thu nhập riêng. Tôi không nhớ tôi kiếm được bao nhiêu nhưng với sinh viên, có thu nhập riêng là tốt rồi. Tôi độc lập như vậy cũng xuất phát từ cách giáo dục của gia đình.
- Thế còn với doanh nhân Trương Gia Bình, cậu ruột của anh. Ông hỗ trợ gì cho anh trong cuộc sống cũng như công việc?
- Công việc thì ít thôi. Khi gặp nhau, chúng tôi thường trao đổi về triết lý và nhận thức cuộc sống. Mặc dù trong tình cảnh người Bắc, người Nam nhưng cậu cháu rất thân thiết. Cậu tôi thường xuyên vào Sài Gòn. Tôi và mẹ sống cùng bà ngoại. Mỗi lần vào Sài Gòn, cậu thường ở nhà tôi.
- Bây giờ khi không còn gắn bó với FPT, anh dồn tâm sức cho nghiệp kinh doanh riêng của mình. Anh bắt đầu khởi nghiệp từ khi nào?
- Tôi bắt đầu kinh doanh riêng khá lâu rồi, từ 2004 - 2005, khoảng 3 năm sau khi ra trường. Tôi đầu tư vào một số công ty tổ chức sự kiện, dịch vụ vì sở thích của tôi là làm về ngành liên quan đến các lĩnh vực này. Tuy học về công nghệ thông tin nhưng tôi lại làm việc nhiều về sale và marketing. Sau đó tôi đi du học ngành tài chính để làm việc cho một công ty quản lý quỹ. Đồng thời, tôi vẫn kinh doanh riêng bar và nhà hàng.
- Đại bộ phận người dân Hà Nội chưa có thói quen tới bar như người Sài Gòn. Anh gặp khó khăn gì khi kinh doanh ở lĩnh vực này?
- Thực ra nhu cầu giải trí ở đâu cũng thế. Vấn đề là có sự khác biệt một chút về thị hiếu. Các mô hình tôi làm trước đây đều nhấn vào điểm khác biệt, chứ không đi vào dịch vụ nhiều người đã làm trước đó. Tôi muốn tạo ra trào lưu. Nó không phải cái gì ghê gớm, to lớn, chỉ đơn giản là cái gì đó mới mẻ. Tôi tin là với mô hình mà các anh em đang làm, sẽ tạo ra hướng đi mới cho ngành giải trí.
Ở Hà Nội, dịch vụ thiếu thốn quá nhiều. Mọi người đã quen với dịch vụ chưa cao. Phở chửi, miến chửi, cháo chửi mọi người cũng chấp nhận vì quen sử dụng dịch vụ chưa đúng số tiền họ bỏ ra. Tôi muốn mang dịch vụ mà khách cảm thấy xứng đáng. Tôi nghĩ đây là hướng đi đúng với bản chất ngành dịch vụ. Trước sau gì cũng được chấp nhập.
Tổ ấm viên mãn của doanh nhân Đức Hải - Hoa hậu Jennifer Phạm cùng hai con. |
- Học công nghệ thông tin nhưng tất cả các mảng kinh doanh riêng của anh đều là dịch vụ, vì sao thế?
- Khả năng sinh lời của ngành dịch vụ chưa hẳn đã cao hơn nhiều ngành khác. Theo tôi, cứ làm việc thật tốt, ngành nào cũng có thể mang lại lợi nhuận cao. Tôi đến với dịch vụ vì đam mê. Tôi là người thích giao tiếp nên phù hợp với dịch vụ. Bản thân tôi cũng có tố chất của người làm ngành này. Đó là chu đáo, cẩn thận.
- Có khi nào anh cảm thấy quá tải khi kinh doanh nhiều lĩnh vực như vậy?
- Tôi không quá tải. Khi kinh doanh, tôi luôn tìm cộng sự phù hợp để chia sẻ ý tưởng, công việc để tôi có thể làm được nhiều việc khác nhau. Khi có cộng sự, tôi đỡ được nhiều thứ. Quan điểm của tôi là không bao giờ làm cái gì một mình vì người không có cộng sự phải hy sinh quá nhiều cuộc sống vào công việc.
- Vợ anh - Hoa hậu Jennifer Phạm, hỗ trợ gì cho anh trong việc kinh doanh?
- Chắc chắn có rồi, không mặt này thì mặt kia. Cả hai vợ chồng dù ai cũng bận nhưng đều dành thời gian giúp nhau. Có những cái hỗ trợ đóng góp về mặt tinh thần, ý tưởng để chia sẻ. Trong công việc của Jennifer, tôi cũng chia sẻ và hỗ trợ rất nhiều.
Theo Công luận