- Vì sao gần đây chị chủ yếu sống trong nước?
- Trước Tết Ất Mùi, tôi từ Mỹ về TP HCM với mục đích lớn nhất là chăm sóc cha mẹ già. Cha tôi tuổi cao sức yếu lắm rồi. Ông chịu đựng bệnh tiểu đường khoảng 30 năm qua, giờ bị biến chứng ảnh hưởng đến mắt và thận... Mẹ tôi cũng vừa trải qua một cuộc phẫu thuật.
Tôi về, cha mẹ mừng vui lắm. Mấy tháng qua, tôi gần như là điều dưỡng riêng cho cha, học cách tiêm thuốc cho ông, theo chân ông đến bệnh viện, kề cận chăm sóc ông miếng ăn giấc ngủ. Có tôi, gia đình rộn ràng hơn, tinh thần cha vui lên nên sức khỏe cải thiện được ít nhiều.
- Năm 2010, chị bị tòa án Tòa án liên bang Mỹ ở Brooklyn (New York) điều tra tội hình sự "bắt cóc con gái", chị vượt qua quá trình điều tra như thế nào?
- Lần này, tôi về được Việt Nam đồng nghĩa việc tôi phải đối mặt với tội "bắt cóc con gái ruột" khép lại. Chỉ vì tôi không hiểu hết pháp luật xứ người nên có quãng thời gian vướng vào rắc rối, trải qua ngày tháng đau buồn, tủi khổ nhất trên đất Mỹ. Hiện tại, mọi chuyện đau buồn đã qua, tôi trở về với cuộc sống của mình. Tôi đang bắt đầu lại mọi thứ.
Lý Hương (thứ hai, phải qua) cùng các chị gái đưa cha - nghệ sĩ Lý Huỳnh - đến tham dự lễ trao giải Cánh Diều 2014 ở TP HCM. |
- Hiện tại con gái chị sống với ai và được chăm sóc như thế nào?
- Con gái Princess Lam của tôi vừa tròn 13 tuổi, đang học lớp 7 tại Mỹ. Theo quy định của pháp luật, bé sống cùng người bác ruột, là chị của chồng cũ tôi. Những ngày vừa qua, được đoàn tụ với gia đình trong nước, bên cạnh niềm vui, tôi canh cánh trong lòng nỗi đau không được gần con. Tuy xa cách, tình mẫu tử vẫn không thay đổi vì tôi rất thương cháu và luôn quan tâm đến cháu. Hiện nay, bé đã lớn, rất hiểu chuyện và yêu mẹ.
- Chị làm thế nào để vượt qua giai đoạn bị tạm giam và hầu tòa ở Mỹ?
- Có lẽ, suốt cuộc đời, tôi không thể nào quên được khoảnh khắc bị còng tay dắt vào nhà tù liên bang Mỹ. 10 ngày trong phòng giam, tôi không ăn uống được gì, không ngủ được. Tôi khóc hết nước mắt. Ra khỏi nhà giam, tôi lại quanh quẩn trong nhà một người quen ở Mỹ, phạm vi đi lại bị giới hạn vì chíp điện tử đeo ở chân. Khi ra ngoài đi học Anh văn, đi nhà thờ cũng phải xin phép.
Có người nhìn vào quãng đời đó của tôi và bảo rằng, nếu là họ, họ không thể nào sống được. Cũng lúc tôi cũng tưởng mình không thể nào sống nổi. Nhưng thực tế, tôi luôn mạnh mẽ để đối diện sự thật. Tôi còn gia đình, còn cha mẹ và con gái. Nếu tôi cho phép mình gục ngã, tôi lại một lần nữa có tội với những người thân yêu. Làm sao tôi có thể để cho cha mẹ lo lắng thêm cho mình khi họ không được kề cận bên tôi.
Tôi may mắn là luôn có những người thân trong gia đình yêu thương và quan tâm, những người bạn sẵn sàng đồng hành, chìa tay giúp đỡ mình trong lúc khó khăn. Tôi không thể nào quên được tình cảm mà luật sư Mỹ Edward Kratt dành cho tôi. Ông đã giúp đỡ tôi hết lòng với tất cả khả năng. Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco, rồi vợ chồng luật sư Nguyễn Văn Hậu - Nguyễn Thị Thúy Hường dành cho tôi rất nhiều hỗ trợ. Chị Hường còn bay sang New York để ở cùng tôi, hàng ngày đi nhà thờ với tôi, ra tòa làm chứng cho tôi... Tình cảm đó khiến cho tôi thấy mình càng phải giữ vững tinh thần.
Về nước, Lý Hương còn dành thời gian đi làm từ thiện, trao quà cho bà con miền Trung cùng anh trai Lý Hùng (trái). |
- Trải qua nhiều sóng gió, hiện tại, chị cảm nhận về cuộc sống ra sao?
- Hai năm rưỡi quanh quẩn giữa bốn bức tường nhà, tôi tập cho tâm mình tĩnh tại, nhớ những điều răn dạy của Chúa để sống có ích trong cuộc đời, tôi học Anh văn, đọc sách báo, trò chuyện với mọi người... suy nghĩ và luôn luôn hướng về mục đích sống của đời mình: cha mẹ và con gái.
Tôi gần như trắng tay sau quãng thời gian liên quan đến kiện tụng. Nhưng tôi hạnh phúc vì giờ được trở lại là mình, được sống cuộc đời của mình. Tính đến khi trở về Việt Nam vào trước Tết Ất Mùi này, tôi đã xa quê hương được 7 năm. Ngày về nước, tôi không thể nào giấu được niềm xúc động. Tôi nhớ cha mẹ tôi lắm. Ngày ở Mỹ, nỗi nhớ ấy dày vò tôi khi nghĩ về cha mẹ tuổi già sức yếu đang lo lắng cho mình ở quê nhà mà mình không về được. Lúc đó, tôi cứ nơm nớp sợ, lỡ cha mẹ có chuyện gì mà mình không về kịp thì sao. Giờ tôi được ở bên đấng sinh thành là niềm hạnh phúc quá lớn. Tôi không nói cuộc sống hiện tại của mình hết khó khăn, nhưng tôi rất tự tin vào bản thân mình. Bên cạnh tôi lúc nào cũng có những người giúp đỡ, yêu thương tôi và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho tôi đứng lên sau vấp ngã.
- Sau cuộc hôn nhân đầu, hiện tại chuyện tình yêu có ý nghĩa như thế nào với chị?
- Tôi như "con chim sợ cành cong". Tôi cũng có bạn bè, cũng có mối quan hệ riêng nhưng để tiến đến hôn nhân là chuyện hoàn toàn khác và tôi chưa nghĩ đến. Từng một lần đổ vỡ, tôi không muốn sự vội vàng lại để mình bị vướng vào những rắc rối.
- Kế hoạch sắp tới của chị với phim ảnh là gì?
- Khi tôi nhớ nghề, nhớ phim trường lắm. Trước đây, nếu không phải vì vụ kiện tụng ở Mỹ, tôi đã có vai chính Bùi Thị Xuân trong phim Tây Sơn Hào Kiệt của cha tôi. Từ sau phim truyền hình Mưa thủy tinh (phát hành năm 2007), đến nay tôi chưa có bộ phim mới nào. Vừa rồi, biết tôi về nước, có đến ba đạo diễn mời tôi đóng phim. Nhưng hiện tại, tôi muốn dành toàn thời gian cho cha mẹ, nhất là chăm sóc cho cha tôi những ngày ông phải chống chọi với bệnh tật. Tôi hạnh phúc khi được sống trong không khí đầm ấm bên anh chị em, cha mẹ dưới một mái nhà như ngày xưa. Tôi phải tranh thủ thời gian báo hiếu cho mẹ cha, cố gắng bù đắp phần nào những nỗi buồn lo mà tôi mang đến cho ông bà, cho gia đình.
Cũng có đạo diễn tìm đến tận nhà muốn xin tôi viết kịch bản phim về cuộc đời mình, nhưng tôi đều từ chối. Quá khứ đã qua xin hãy để nó ngủ yên. Sau này, về lâu dài, nếu tìm được vai diễn thích hợp, tôi sẽ trở lại đóng phim. Ngoài phim ảnh, tôi đang gây dựng lại công việc kinh doanh của mình trong nước và ở Mỹ.
Điều tôi mong nhất bây giờ là công việc kinh doanh ổn định. Sau này, khi có tiền, tôi có thêm điều kiện để chăm sóc con gái vì con đang tuổi trưởng thành, rất cần mẹ. Ngoài ra, tôi muốn tiếp tục những hoạt động thiện nguyện mà mình theo đuổi từ trước đến nay.
Theo VnExpress