10:13 25/03/2015
5 món ngon miền Tây say lòng người Sài Gòn
Lẩu mắm Cần Thơ, bún cá Kiên Giang, cơm tấm Long Xuyên... là những món ăn đặc trưng vùng sông nước Tây Nam bộ làm vấn vương bao tín đồ ẩm thực Sài Gòn.

Ẩm thực Sài Gòn phong phú và đa dạng món ăn từ khắp mọi miền đất nước. Mỗi vùng miền đều có những nét ẩm thực đặc trưng riêng, sau đó du nhập vào Sài Gòn để làm phong phú thêm đời sống ẩm thực và nhu cầu ăn uống của người dân nơi đây. Vì vậy, sẽ chẳng khó để bạn có thể tìm thấy một quán ăn hoặc một món nào đó từ chính quê hương của mình tại mảnh đất Sài Gòn này.

Người miền Tây cũng mang văn hóa ăn uống và món ăn đặc trưng của xứ sở mình lên Sài Gòn như một cách hội nhập và để người dân được thưởng thức những món ăn ngon cho đỡ nhớ quê.

1. Lẩu mắm Cần Thơ

7-5764-1427247966.jpg

Khi nhắc đến Cần Thơ, người ta sẽ nghĩ ngay đến món lẩu mắm dân dã thơm ngon, đặc trưng. Xứ Cần Thơ có nhiều tôm cá, nhất là mùa nước nổi… Người dân thường mang các loại cá này làm mắm để dành. Mắm làm ra có thể chế biến thành nhiều món ăn phong phú. Lẩu mắm chính là món ăn dân dã, gây ấn tượng bởi vị đậm đà và mùi thơm đặc trưng riêng từ mắm.

Lẩu mắm Cần Thơ mang nét đặc trưng rất độc đáo với các nguyên liệu kết hợp chế biến từ cá đồng, cá sông và rau các loại rau sẵn có trong vườn nhà như rau đắng, kèo nèo, rau muống, cải xanh; hoa bí, hoa súng, hoa so đũa… Ở Sài Gòn, nếu muốn thưởng thức món lẩu mắm Cần Thơ, bạn có thể ghé quán lẩu mắm trên đường Hồ Biểu Chánh, hay Lý Chính Thắng (quận 3); 190/19, Sư Vạn Hạnh (quận 5).

2. Bún cá Kiên Giang

8-1682-1427247966.jpg

Ẩm thực Kiên Giang đa dạng đồ ăn ngon, làm say lòng du khách, trong đó phải kể đến bún cá. Đây cũng là món ăn tạo nên một nét đặc trưng riêng, hấp dẫn của đất miền Tây.

Thành phần chính của món ăn là cá lóc đồng, làm sạch, giữ lại bộ lòng luộc lấy nước lèo. Sau khi nấu chín, lấy hết xương, tách từng miếng nhỏ, chuẩn bị thêm tôm tươi bóc vỏ, mang rim với gạch tôm để giữ màu sắc tự nhiên. Nước lèo được hầm từ xương nên ngon ngọt tự nhiên. Món bún này dùng với rau muống, thân chuối thái mỏng, giá, rau thơm, rau răm. Đặc biệt, bún cá chỉ ăn với nước mắm trong, cùng một ít ớt tươi, tạo nên một món chấm mang đậm hương vị đất phương Nam.

Bạn có thể ghé quán bún cá Kiên Giang nằm trong một con hẽm trên đường Vườn Chuối (quận 3) để thưởng thức món ăn này.

3. Bánh cóng Cà Mau

9-1754-1427247966.jpg

Cà Mau cũng là vùng đất không thiếu những món ăn ngon vì nơi này cũng có nhiều dân tộc sinh sống, nên sự giao thoa của các món ăn với nhau sẽ tạo nên một nét đặc trưng trong ẩm thực nơi đây. Đặc biệt, Cà Mau còn nổi tiếng với món bánh cóng nóng hổi, là món ăn vặt được người dân ưa thích.

Cái tên bánh cóng không biết ai đã đặt cho, nhưng đơn giản khi nhìn thấy người ta đổ bánh, bạn sẽ tìm được câu trả lời. Bánh được đổ trong chiếc cóng có dạng giống chiếc ca nhôm nhỏ, gắn với tay cầm để tiện lợi cho việc đổ bột vào. Bánh cóng Cà Mau có nét rất quen thuộc như những món dân dã khác như bánh xèo, bánh khọt, bánh cuốn… và nguyên liệu làm nên bánh cóng cũng khá đơn giản gồm: bột gạo, thịt xay nhuyễn trộn hành và gia vị cho vừa ăn, tôm tươi, đậu xanh đã được luộc chín. Sau khi đổ bánh vào cóng, nhúng bánh vào chảo dầu thật sôi, chờ cho bánh chín rồi treo trên vỉ sắt cho ráo dầu, sau đó lấy bánh ra. Bánh có độ giòn, thùi thơm phức ăn kèm rau sống và nước chấm chua ngọt.

Ở Sài Gòn, món bánh cóng được bán trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10), Lê Đại Hành (quận 11), Lê Văn Sĩ (quận 3)…

4. Hủ tiếu Gò Công

1-2674-1427247966.jpg

Xứ Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang (cách Sài Gòn khoảng vài chục km) là nơi nổi tiếng với khá nhiều món ăn ngon mà khi nhắc đến ai cũng biết, như mắm còng xứ rẫy Gò Công, mắm tôm chà của đất Gò Công. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu như bạn đã tới Gò Công mà quên nếm thử một tô bún suông. Cái suông trong tô bún chỉ toàn tôm là tôm, rất dai vì tôm được quết kỹ. Nước dùng ngọt lìm lịm, đỏ ối gạch tôm, trôi vào đến đâu biết ngay đến đó. Ngoài ra, xứ sở này còn có món hủ tiếu khá đặc trưng, mang đậm đà khẩu vị miền Tây. Món hủ tiếu ở xứ sở này khác so với các loại hủ tiếu khác ở chỗ cọng hủ tiếu rất trong, dai và mềm mại. Điểm khác biệt kế tiếp là ngoài nước dùng được hầm từ xương thịt như các loại bình thường còn có thêm tôm và mực, cho nước dùng rất trong, ngon và ngọt tự nhiên hơn.

Món hủ tiếu này với các nguyên liệu đơn giản và dễ tìm, dễ chế biến tại nhà vào mỗi dịp cuối tuần. Tuy nhiên nếu không có thời gian, bạn vẫn có thể ghé những quán hủ tiếu Gò Công trên đường Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh) hoặc Thành Thái (quận 10) TP HCM để thưởng thức.

5. Cơm Tấm Long Xuyên

4-9963-1419495891-6770-1427247966.jpg

Món cơm tấm Long Xuyên nổi tiếng từ lâu đời và mới có mặt tại Sài Gòn khoảng một tháng nay. Nếu như cơm tấm Sài Gòn với những lát thịt to được nướng vàng đều thì cơm tấm tại Long Xuyên lại mang nét đặc trưng rất riêng. Hạt tấm rất nhuyễn, thịt nướng được thái lát mỏng và cắt thành sợi mỏng. Ngoài ra, cũng giống như sườn, đĩa cơm tấm còn có thêm bì và trứng kho được cắt mỏng, vừa miệng để tạo cảm giác không ngấy cho người thưởng thức. Ăn kèm với cơm là nước mắm chua ngọt, pha hơi sánh. Những thành phần này quyện vào nhau đã tạo cho cơm tấm tại Long Xuyên một một hương vị rất riêng và không đụng hàng với bất cứ nơi đâu.

Tại Sài Gòn, cơm tấm đặc trưng Long Xuyên mới chỉ xuất hiện. Bạn có thể tìm đến quán cơm tấm Cây Điệp trên đường Cao Thắng, quận 3 để thưởng thức.

Hà Lâm