09:43 23/01/2015
Thay đổi những truyền thống ở đám cưới Việt
Lễ ăn hỏi thường diễn ra trước cưới ít nhất vài tuần, nhưng nếu bận rộn, uyên ương có thể gộp chung hai nghi thức lớn này vào một ngày.

Từ trước đến nay, có rất nhiều điều mọi người khuyên uyên ương nên làm hay không nên làm. Nhưng thực tế vẫn có những điều cô dâu chú rể có thể bỏ qua hoặc "cải biên" theo ý mình để đám cưới mang dấu ấn cá nhân hơn.

1. Phải mời thêm khách đính kèm

Ở các thiệp cưới, nhiều uyên ương thường viết lời mời gửi tới khách: "Mời chị và người thương", "Mời anh và gia đình"... bởi trong suy nghĩ của nhiều người, phải mời kèm theo người đi cùng mới lịch sự. Nhưng việc mời thêm khách đính kèm này có thể khiến uyên ương không xác định được đúng số lượng người tới dự tiệc, dẫn đến việc không chuẩn bị đón tiếp chu đáo hay tiệc không đủ chỗ. Vì vậy thay vì mời khách kèm theo người nhà, cô dâu chú rể chỉ nên mời đích danh người mà mình muốn mời.

3-2087-1421980960.jpg

Uyên ương nên mời đích danh khách mời, không nên mời thêm cả khách đính kèm.

2. Đám cưới phải diễn ra vào cuối tuần

Ở miền Nam, hầu hết các đám cưới đều phải diễn ra vào thứ 7 hoặc chủ nhật, như vậy khách mời mới có thời gian tới dự đông đủ. Nhưng không phải cô dâu chú rể nào cũng cần theo quan niệm này, nhất là khi không thể đặt chỗ vào cuối tuần, bạn nên vui vẻ tổ chức cưới vào ngày trong tuần. Miễn là cách tổ chức chu đáo, tiệc được lựa chọn kỹ lưỡng thì khách mời đều cảm thấy trân trọng.

3. Lễ ăn hỏi phải tổ chức trước đám cưới

Vốn dĩ lễ ăn hỏi thường diễn ra trước đám cưới vài tuần, thậm chí ở miền Nam, nhiều uyên ương tổ chức ăn hỏi trước ngày cưới vài tháng. Nhưng nếu bận rộn, không có điều kiện chuẩn bị nhiều nghi thức, uyên ương có thể gộp lễ ăn hỏi và đón dâu, tiệc cưới vào cùng một ngày. Như vậy sẽ tiết kiệm thời gian cũng như sự chuẩn bị đáng kể, đặc biệt là đối với những cặp đôi ở xa nhau.

4-6310-1421980960.jpg

Ảnh: Sparrows Wedding & Event.

4. Bố mẹ phải cùng bước lên sân khấu cùng uyên ương

Trong kịch bản hôn lễ thường gặp, MC thường mời cha mẹ hai bên gia đình bước lên sân khấu trước, sau đó mới tới cô dâu chú rể để cặp đôi nhân vật chính tiến hành nghi thức cưới. Nhưng nếu cha mẹ cảm thấy không muốn đứng trên sân khấu thì có thể bỏ nghi thức này. Khi đó, chỉ cô dâu chú rể làm lễ thành hôn, như vậy sẽ thu hút được sự chú ý của khách mời. Khi lễ thành hôn kết thúc, uyên ương có thể tri ân gia đình bằng cách gửi lời cảm ơn tới bố mẹ.

Hiện nay nhiều đám cưới Việt Nam học theo phong cách phương Tây, chú rể đợi ở sân khấu và cô dâu sẽ một mình bước tới lễ đường. Đây cũng là một lựa chọn hay. Cách này còn đặc biệt phù hợp khi cô dâu chọn một chiếc váy cưới lộng lẫy với tà xòe rộng, trong khi lối dẫn lên sân khấu lại nhỏ, như vậy cô dâu bước đi một mình là điều hợp lý.

5. Sau đám cưới phải hưởng tuần trăng mật ngay

Uyên ương không nhất thiết phải đi trăng mật ngay sau ngày cưới. Kỳ nghỉ ngọt ngào này có thể dời tới dịp thích hợp, khi cả hai có nhiều thời gian và điều kiện tài chính. Ngoài ra, cô dâu chú rể cũng nên dành vài ngày nghỉ ngơi, lấy lại sức sau bữa tiệc trọng đại.

Linh Linh